
Triển vọng thị trường hàng hóa 2025
Jan 1, 2025
Các sự kiện lớn có thể định hình thị trường tài chính toàn cầu đã diễn ra cùng một lúc trong tuần qua: Bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng ngoạn mục thuộc về ông Donald Trump, Fed tiếp tục giảm lãi suất trong nỗ lực hạ cánh mềm nền kinh tế và gói kích thích tài khóa gây thất vọng từ Trung Quốc.
Đối với các nhà đầu tư hàng hóa, câu hỏi lúc này là thị trường sẽ diễn biến ra sao khi ông Trump ngồi lại ghế nóng Nhà Trắng.
Nhiều bằng chứng cho một đợt tăng giá mới
Về mặt lịch sử, trong hai đợt bầu cử trước, không quan tâm người chiến thắng thuộc phe Voi (Cộng hòa) hay Lừa (Dân chủ), giá cả hàng hóa được đo lường bởi chỉ số S&P GSCI có xu hướng tăng. Ngoài ra, giá cả cũng đã giảm sâu, đưa thị trường hàng hóa về mức rẻ hơn rất nhiều so với mức đỉnh giai đoạn 2021 – 2022.
Việc giá cả hàng hóa sụt giảm trong thời gian qua cũng đã hàm ý rằng những rủi ro bao gồm suy thoái toàn cầu, đặc biệt khi hoạt động sản xuất vẫn suy yếu và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đang đối mặt với một làn sóng dư thừa năng lực sản xuất, đã được phản ánh vào giá. Điều này khiến cho người ta liên tưởng tới một đợt tăng giá tiếp theo của hàng hóa, khiến cơn ác mộng mang tên “lạm phát” sẽ trở lại và mang theo nhiều khó khăn hơn cho các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Nếu điều tồi tệ đó diễn ra, buộc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải suy nghĩ lại về những thành tích được báo giới đăng tải gần đây là lạm phát đang dần trở về mục tiêu và điều kiện thị trường lao động nới lỏng, những yếu tố cần thiết thôi thúc Fed cắt giảm 75 điểm phần trong hai cuộc họp gần nhất của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC).
Trong lần cắt giảm thứ nhất, cũng là dấu mốc cho lần đầu tiên hạ lãi suất trong 4 thập kỷ, Fed khiến thị trường kinh ngạc với 50 điểm phần trăm. Hiện, phạm vi lãi suất mục tiêu của Fed từ 4.5 – 4.75%. Đương nhiên, các nhà làm chính sách tiền tệ có một đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm họp bàn nhằm tránh lặp lại những sai lầm quá khứ khi đã đánh giá “lạm phát chỉ là nhất thời”; và cũng không loại trừ khả năng họ nhận ra được điều đó khi giá hàng hóa đã tăng trở lại một mức rất đáng kể.
Trở lại câu chuyện giảm lãi suất, về mặt lý thuyết, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến đồng đô la Mỹ (USD) yếu hơn, tương tự như những gì đã xảy ra vào đầu những năm 2000 và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi chỉ số đo lường sức mạnh USD (DXY) so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm phi mã. Khi đồng USD suy yếu kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho giá hàng hóa. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, tương lai của đồng USD đang rất khó đoán bởi những kịch bản khác nhau được định đoạt bởi các chính sách của ông Trump và Fed.
Người ta lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc sẽ giảm đi do kinh tế suy yếu, nhưng cũng không cần quá bận tâm, nếu Trung Quốc suy yếu nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng lớn thì vẫn rất quan trọng, sẽ không có thị trường nào có thể bù đắp cho Trung Quốc. Chưa kể, lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc có thể được bù đắp trong trung hạn nhờ vào các quốc gia mới nổi khác ở châu Á (như Ấn Độ và Việt Nam) mở rộng khả năng sản xuất để chiếm lĩnh thị phần mà Trung Quốc để lại.
Triển vọng đầu tư kim loại và nông sản
Giới phân tích cho rằng, kim loại sẽ là nhóm hàng hóa có triển vọng khi vị tỷ phú trở lại làm Tổng thống. Theo đó, việc bãi bỏ quy định trong khai khoáng có thể làm tăng nguồn cung của nhiều loại kim loại, giúp chúng sẵn có hơn để sử dụng trong các ngành công nghiệp. Đồng thời, các kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng được đề xuất có thể thúc đẩy nhu cầu về các kim loại như thép và đồng.
Thêm vào đó, về mặt cơ bản, đồng (nhu cầu dây dẫn, máy móc công nghiệp, xây dựng) và nhôm (dây dẫn đường dài – nhờ có độ bền kéo cao, sản xuất ô tô và các ứng dụng công nghiệp khác) đang chứng kiến nhu cầu tăng lên khi các quốc gia ngoài Trung Quốc tập trung vào sản xuất, tạo ra nhiều nhu cầu hơn trong khi nguồn cung chưa bắt kịp. Quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn cũng đang làm tăng nhu cầu về uranium (năng lượng hạt nhân phát thải thấp đang trở lại) và lithium (dùng trong pin xe điện), trong khi việc đảm bảo nguồn cung vẫn tương đối khó khăn.
Một điểm rất đáng lưu ý đối với đồng, đây là kim loại được xem là trung tâm của quá trình chuyển đối xanh trên toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các công nghệ năng lượng sạch - từ pin xe điện (EV) đến tua-bin gió, hệ thống năng lượng mặt trời, và lưới điện cung cấp năng lượng cho quá trình điện khí hóa toàn cầu.
Số liệu từ ICSG cho thấy, sản lượng đồng từ mọi nguồn sẽ tăng trưởng ở tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 2.2% trong 10 năm tới cho đến năm 2034, thấp hơn mức tăng trưởng nhu cầu là 2.6%. Điều này đã mở ra một cơ hội rất lớn để đầu tư vào đồng.
Ngoài ra còn có bạch kim, một trong những kim loại hiếm và có giá trị nhất, đóng vai trò quan trọng cả trong các ứng dụng công nghiệp lẫn là một tài sản đầu tư. Các tính chất đặc biệt và nhu cầu cao trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô (bộ chuyển đổi xúc tác) khiến bạch kim trở thành một loại hàng hóa rất “hot”.
Ngoài kim loại, còn có hàng hóa nông nghiệp. Chính sách thương mại dưới thời Trump có thể tác động đáng kể đến hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là liên quan đến quan hệ thương mại với Trung Quốc. Bất kỳ thỏa thuận thương mại hoặc thuế quan nào cũng có thể thay đổi dòng chảy xuất khẩu nông sản, ảnh hưởng đến giá cả của các mặt hàng như ngô và đậu tương.
Ngoài ra, những thay đổi đối với các quy định về nhiên liệu sinh học có thể tác động đến các thị trường này, vì ngô là nguyên liệu chính để sản xuất ethanol. Một lập trường ủng hộ nhiên liệu sinh học có thể làm tăng nhu cầu về ngô, đẩy giá lên cao. Rất rõ ràng, ngay sau kết quả ông Trump thẳng cử, giá hợp đồng tương lai ngô đã tăng vọt.
Tuy nhiên, đương nhiên với những lập luận trên có thể thấy triển vọng tăng giá của hàng hóa đã dần được định hình, nhưng không cũng không nhất thiết rằng giá hàng hóa tăng mới có thể tiếp cận được cho các nhà đầu tư. Đối với chứng khoán, một bất ổn của nền kinh tế lan rộng sang thị trường Việt Nam có thể khiến các nhà đầu tư e dè đầu tư vào chứng khoán vì thường sụt nhanh hơn giảm. Nhưng, nó là hoàn toàn khác biệt đối với hàng hóa phái sinh, có thể tìm kiếm được lợi nhuận ngay khi nó giảm.
Tất cả những hàng hóa nói trên đều thuộc top các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), theo số liệu quý 3.
Tại Việt Nam, nếu các nhà đầu tư vẫn đang chán nản vì triển vọng không mấy lạc quan của thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn cứ mãi loanh quanh con số 1,200 điểm ngay cả khi triển vọng nâng hạng gần như đang đến gần, nhà đầu tư có thể chọn hàng hóa như một kênh đầu tư chính thống khác thay thế hoặc bổ sung vào danh mục đầu tư của mình nhằm tăng tính đa dạng của các lớp tài sản. Đây sẽ là triển vọng cho thị trường hàng hóa trong năm tới.
Nguồn: Bộ phận phân tích SFVN
Danh Mục Bài Viết
Bài Viết Mới Nhất
Tags