Phân tích cơ bản
Dự báo giá cao su năm 2024
Giai đoạn nửa cuối 2022 và nửa đầu 2023, giá cao su bị điều chỉnh và duy trì mức nền thấp do nhu cầu yếu trên thị trường tiêu thụ. Giá cao su trên sàn TOCOM bắt đầu nhích tăng trở lại trong quý 3/2023. Cụ thể giá cao su đã có 6 tháng tăng liên tiếp từ tháng 08/2023 với mức tăng từ 20%-30% cho 2 loại TSR20 và RSS3, nhờ vào nhu cầu từ các thị trường chính như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan đã phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2023.
Xu hướng này tiếp tục thể hiện rõ trong 5 tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân khiến giá cao su tăng vọt trong các tháng đầu năm nay được giới phân tích cho rằng do ảnh hưởng giá dầu quốc tế - thông thường có biến động cùng chiều với giá dầu (mặc dù trong 2 năm qua, tương qua giá của 2 loại hàng hóa này đã giảm đáng kể), mà xung đột địa chính trị ở Trung Đông là lý do khiến giá dầu tăng; đồng thời lo ngại về tình trạng thiếu nguồn cung vào cuối năm do mưa lớn tại Thái Lan.
Ngoài ra, tiềm ẩn lo ngại về nguồn cung tại các nước sản xuất lớn như Thái Lan và Indonesia, do Quy định chống phá rừng (EU Deforestation Regulation, EUDR) sẽ được áp dụng vào cuối 12/2024. Theo đó sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Tại Thái Lan, trong tuần cuối tháng 5, cao su tấm RSS3 được giao dịch ở mức cao nhất trong 12 năm là 96.66 THB/kg, khi người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm cao su tuân thủ EUDR.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 10/2023 cho thấy hơn 4 triệu ha rừng nhiệt đới đã bị mất để làm đất trồng cao su ở Đông Nam Á trong vòng ba thập kỷ qua. Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia là những quốc gia ghi nhận mất rừng lớn nhất. Quy định nói trên sẽ đặt ra thách thức lớn cho ngành cao su tự nhiên và có thể tạo ra áp lực mới cho nguồn cung từ năm 2025.
Theo nhận định từ giới chuyên môn, dự báo năm 2024 – 2025 nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt, toàn cầu có thể sẽ hụt khoảng 600-800 ngàn tấn mỗi năm, do tốc độ tăng của nhu cầu nhanh hơn tốc độ cung ứng.
Cụ thể, tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6%/năm, nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Hoạt động này cũng tăng trưởng tích cực ở Thái Lan và Ấn Độ, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024.
Tuy nhiên, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1-3%/năm trong giai đoạn nói trên. Diện tích trồng cao su tại Thái Lan và Indonesia liên tiếp giảm do dịch bệnh trên cây cao su và xu hướng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiệu suất thu hoạch cao su cũng đã giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh và thời tiết cực đoan.
Năm 2024, dự báo là năm khắc nghiệt với cây cao su khi chuyển giao giữa hiện tượng El Nino và La Nina, gây ra nhiều biến động trong mùa vụ khai thác cao điểm tại khu vực Đông Nam Á. Chưa kể, nguồn cung cũng đã giảm đáng kể khi các hộ kinh doanh chuyển sang trồng các cây công nghiệp khác trong giai đoạn giá cao su giảm mạnh thời gian trước.
Các dự đoán về cung cầu thường cho thấy triển vọng về giá trong trung – dài hạn, dự đoán hụt cung nêu trên sẽ có tác động tích cực đến giá. Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá rằng giá cao su TSR20 có thể neo cao và đạt mức giá từ 1.6-1.8 USD/kg bằng với giai đoạn 2021 – nửa đầu 2022.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn vẫn cần theo sát các yếu tố như đồng USD – có mối tương quan nghịch với giá cao su, hiện đang neo ở mốc cao do Fed chần chừ trong việc cắt giảm lãi suất, kỳ vọng của thị trường về số lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 của Fed cũng đã giảm so với đầu năm; diễn biến giá dầu – có xu hướng giảm từ tháng 4; hoặc kinh tế tại các quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc, đặc biệt là doanh số tiêu thụ ô tô nước này, có dấu hiệu chững lại. Với các áp lực này, nhiều khả năng giá cao su vẫn chưa thể tăng mạnh, trong xu hướng đi ngang hoặc chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn.
Diễn biến giá cao su, giá dầu và đồng USD (đo lường qua DXY)
Nguồn: Tradingview
Theo PHS, mùa vụ khai thác cao điểm của cây cao su rơi vào giai đoạn từ cuối quý 3 sau khi trải qua giai đoạn nghỉ thay lá từ khoảng tháng 2 đến tháng 5. Do đó, các nhà sản xuất thường tập trung đẩy mạnh mua hàng vào giai đoạn cuối năm sau khi dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Giai đoạn n ửa cuối năm sẽ là thời điểm chính để xác biến động giá cao su trong vòng 1 năm tới.
Hiện tại, các nhà đầu tư trong nước có thể giao dịch các hợp đồng tương lai cao su RSS3 và TSR20 qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) liên thông với các sàn giao dịch hàng đầu về mặt hàng cao su như TOCOM hay SGX.
Nguồn: Tổng hợp