Phân tích cơ bản
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cao su
Cao su là một loài cây thân gỗ, có tầm quan trọng kinh tế lớn do chất lỏng chiết ra tựa như nhựa cây của nó (gọi là mủ) có thể được thu thập lại như là nguồn chủ lực trong sản xuất cao su tự nhiên. Đây là một loại cây công nghiệp lâu năm cần được nuôi dưỡng trong khoảng thời gian từ 5-7 năm mới đến giai đoạn khai thác lấy mủ. Việc trồng cao su còn đem lại lợi ích về môi trường (phủ xanh đất trống, chống xói mòn…).
Cao su tự nhiên có đặc tính đặc biệt như như độ đàn hồi cao, độ bền, khả năng chống chịu và khả năng sinh nhiệt tối thiểu trong quá trình sử dụng. Điều này làm cho cao su thiên nhiên trở thành vật liệu phù hợp để sản xuất các sản phẩm chuyên dụng như lốp xe, găng tay y tế và giày dép.
Đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô, có tới 70% tổng lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ trên toàn cầu được áp dụng trong sản xuất lốp xe.
Nguy cơ bị thay thế bởi cao su nhân tạo (CSNT) đã giảm đi đáng kể từ năm 1990 do những hạn chế về mặt kỹ thuật mà cao su nhân tạo không thể có được như cao su thiên nhiên (CSTN). Do đó, biến động giá sẽ đi theo tình trạng cung – cầu.
Tương quan cung - cầu
Cây cao su thường được trồng phổ biến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở các quốc gia Đông Nam Á (chiếm từ 70% đến 75% diện tích trồng và sản lượng mủ khai thác trên toàn cầu).
Các quốc gia như Bờ Biển Ngà, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc – hiện đang cung ứng gần 30% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu; 2 quốc gia gồm Thái Lan và Indonesia, có tổng tỷ lệ đóng góp khai thác lần lượt là 47.6% và 51.1% vào tổng diện tích trồng và sản lượng mủ toàn cầu trong năm 2022, liên tiếp ghi nhận sự giảm sút nguồn cung từ năm 2018 – 2023. PHS dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Nguồn: Chứng khoán Phú Hưng
Năm 2023, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) ước tính, sản lượng tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu đạt 15.5 triệu tấn (+9.1% so với năm trước), sản lượng khai thác đạt 15.14 triệu tấn (+3.4% so với năm trước), gây ra sự thiếu hụt sản lượng khoảng 0.36 triệu tấn. Thiếu hụt nguồn cung đã manh nha xuất hiện từ đầu năm 2021 và trở lại vào năm 2023, sau giai đoạn cân bằng trong nửa cuối thập kỷ 2010-2020.
Cao su thiên nhiên hiện đang được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc (trung bình 40% tổng sản lượng toàn cầu trong giai đoạn từ 2015- 2022). Các thị trường Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan và Nhật Bản, tiêu thụ hơn 5% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Theo PHS, sản lượng tiêu thụ toàn cầu đăng trở lại với tốc độ nhanh, ước tính tăng 9% vào năm 2023 đạt 15.5 triệu tấn, sau giai đoạn suy giảm do dịch COIVD-19 và thương chiến Mỹ - Trung.
Nguồn: Tổng hợp