Phân tích cơ bản
Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê
Giá cà phê luôn có sự biến động mạnh mẽ, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời tiết, chính trị, và tình hình kinh tế toàn cầu. Sự biến động này không chỉ làm cho thị trường cà phê trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, mà còn đặt ra nhiều thách thức trong việc dự báo và quản lý rủi ro.
Mối quan hệ giữa cung cầu là một trong những yếu tố không thể bỏ qua. Công thức cơ bản là cung > cầu = giá giảm; cung < cầu = giá tăng. Gồm các yếu tố sản lượng, tiêu thụ nội địa, sản lượng xuất khẩu của các quốc gia sản xuất; nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu. Các thông tin này có thể tìm trong các báo cáo định kỳ của USDA, ICO, Conab.
Thời tiết cũng là một trong những yếu tố tác động đến giá cà phê. Thông thường, giá có xu hướng tăng do ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như sương giá, bão lụt, hạn hán, sâu bệnh và mưa lớn do các vấn đề này sẽ làm giảm nguồn cung cà phê. Ngược lại, thời tiết thuận lợi có thể ổn định hoặc làm giảm giá cà phê. Đặc biệt nên chú ý yếu tố này ở các quốc gia có sản lượng hàng đầu thế giới như Việt Nam hay Brazil.
Ví dụ, do hạn hán khốc liệt tại Tây Nguyên năm 2016 làm gián đoạn quá trình ra hoa đậu quả, khiến cây cà phê chết khô không hoặc khó hồi phục, làm rụng quả non, kéo theo là giảm sản lượng, trực tiếp dẫn đến việc giá cà phê Robusta tăng mạnh trong năm 2016. Trong khi đó, điều kiện thời tiết thuận lợi, góp phần tạo ra sản lượng lớn ở Brazil vào tháng 6/2012 khiến giá cà phê giảm sâu.
Dịch bệnh cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng cà phê. Bệnh gỉ sắt là một căn bệnh có thể phá hoại mùa màng. Cà phê Robusta có khả năng chống gỉ sắt cao hơn so với cà phê Arabica.
Chu kỳ mùa vụ của các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới cũng có thể cung cấp một góc nhìn về xu thế giá. Một tài liệu chỉ ra giá cà phê Arabica thường giảm từ tháng 7 do Brazil thu hoạch cà phê từ tháng 6-7; trong khi đó tại Việt Nam, thường thu hoạch vào tháng 11-12 hàng năm, nên giá Robusta thường giảm từ tháng 12.
Một trong những điều thú vị được đề cập từ đầu là vị trí địa lý các nước tiêu thụ cà phê ở bắc bán cầu cũng tác động đến giá với mùa hè diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9. Phần lớn châu Âu, Canada và Mỹ có ngày ấm nhất vào khoảng giữa tháng 7 hoặc giữa tháng 8, do đó giá cà phê có sự điều chỉnh trong những tháng này.
Nguồn: Internet
Bên cạnh đó, sự gia tăng trong việc sử dụng cà phê ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cũng làm gia tăng nhu cầu cà phê.
Giá cà phê không chỉ phụ thuộc vào vụ mùa, mà còn có mối liên hệ với các yếu tố khác. Những nghiên cứu cho thấy giá cà phê có mối liên hệ với giá dầu; khi giá dầu tăng, chi phí vận chuyển và sản xuất cà phê cũng tăng, dẫn đến giá cà phê tăng. Ngược lại, khi giá dầu giảm, chi phí sản xuất giảm, làm giảm áp lực tăng giá lên cà phê.
Chính sách thương mại của các quốc gia sản xuất cà phê lớn như Brazil và Việt Nam cũng có tác động không nhỏ đến giá cà phê. Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu có thể làm thay đổi cung cầu và ảnh hưởng đến giá cả.
Ngoài giá dầu, tỷ giá hối đoái cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá cà phê. Khi đồng đô la Mỹ mạnh lên, giá cà phê trên thị trường quốc tế thường giảm do cà phê được định giá bằng đô la Mỹ. Ngược lại, khi đồng đô la yếu đi, giá cà phê có xu hướng tăng. Trong phân tích, người ta thường dùng chỉ số USD (DXY) để đo lường sức mạnh đồng USD.
Ngoài USD thì euro là đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn thứ 2 trên thế giới và có tỷ trọng lớn nhất (57%) trong chỉ số đô la Mỹ, điều này dẫn tới diễn biến của đồng euro cũng ảnh hưởng tới đồng USD, do đó chiều hướng của đồng USD cũng ảnh hưởng đến chiều hướng hàng hóa.
Chưa kể, việc đồng nội tệ của các quốc gia sản xuất cà phê tăng giá so với USD cũng ảnh hưởng đến giá. Điều này làm cho giá cà phê nội địa suy yếu, làm thu hẹp lượng bán ra của cá nhân/tổ chức sản xuất cà phê, dẫn đến lượng cà phê xuất khẩu giảm, từ đó nguồn cung cà phê ra thế giới giảm; và ngược lại. Brazil là nước xuất khẩu lớn nhất và có đồng nội tệ biến động nhiều nhất, giá trị đồng nội tệ của Brazil sẽ tác động rất lớn tới giá cà phê.
Nguồn: Internet
Dữ liệu tồn kho cũng là một yếu tố quan trọng trong phân tích và dự báo giá cà phê. Dữ liệu tồn kho theo từng thời điểm và giai đoạn tại các cùng sản xuất, các kho dự trữ, các kho hàng và lượng đang vận chuyển giúp xác định nguồn cung cà phê toàn cầu. Thông thường, dữ liệu tồn kho giảm, làm tăng giá cà phê và ngược lại, hay giá cà phê và xu hướng của tồn kho là nghịch chiều.
Nguồn: Internet
Người ta có thể dùng tỷ lệ giữa tồn kho cuối kỳ và tổng nhu cầu (stock-to-use) để biết nông sản hiện tại đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu trong năm nay. Tỷ lệ này thường đi ngược với giá.
Nguồn: Internet
Bên cạnh đó, giá cà phê còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác như địa chính trị, nếu bất cứ quốc gia nào trong các nhà sản xuất lớn như Việt Nam, Brazil, Indonesia, Colombia gặp bất ổn chính trị cũng đều có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất cà phê, gây thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá tăng cao.
Vì các hợp đồng tương lai cà phê được giao dịch trên thị trường tài chính, nên yếu tố đầu cơ tài chính cũng góp phần ảnh hưởng đến giá. Các nhà đầu cơ có mục đích tìm kiếm lợi nhuận qua chênh lệch giá chứ không có ý định giao nhận hàng thực.
Trong năm 2023 và quý 1/2024 giá cà phê tăng mạnh do nhiều yếu tố tác động, trong đó sụt giảm nguồn cung là yếu tố quan trọng nhất. Theo các báo cáo thị trường gần đây, sản lượng cà phê tại Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, đã giảm đáng kể do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm hạn hán và sương giá. Điều này đã gây áp lực lên nguồn cung toàn cầu và đẩy giá cà phê lên cao.
Chưa hết, Việt Nam là nước sản xuất hạt cà phê lớn thứ hai thế giới và cũng là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất, nhưng người nông dân lại chuyển sang trồng sầu riêng, làm giảm diện tích gieo trồng cà phê, làm giảm nguồn cung.
Ngoài ra, nhu cầu cà phê từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đang tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Sự phục hồi kinh tế và sự gia tăng tiêu thụ cà phê tại các quốc gia này đã góp phần đẩy giá cà phê lên cao. Các chuỗi cà phê lớn như Starbucks và Dunkin' Donuts đều báo cáo mức tăng trưởng doanh số cao, phản ánh sự gia tăng tiêu thụ cà phê. Trong xu hướng này, một bài viết từ Nikkei Asia cho biết, các công ty lớn của châu Âu và Mỹ đang chuyển từ giống Arabica cao cấp, chủ yếu được sản xuất ở Trung và Nam Mỹ, sang loại cà phê Robusta tương đối rẻ tiền để ứng phó với chi phí vận chuyển và nhiên liệu tăng cao.
“Giá cà phê tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2023 gây bất lợi cho các công ty sản xuất và xuất khẩu”. |
Nguồn: Tổng hợp