top of page
Banner.png

Phân tích cơ bản

Biến động giá và xu thế giao dịch của ngô

Như bất kỳ loại hàng hóa nào, giá ngô chịu sự ảnh hưởng của cung và cầu. Các nguyên tắc cơ bản của cung cầu tác động tới giá được trình bày như bảng bên dưới. Các số liệu về cung cầu thế giới hoặc tại các quốc gia sản xuất lớn này cũng có thể được tìm thấy trong báo cáo quan trọng từ USDA, được công bố định kỳ hàng tháng, hàng năm và hàng quý.


Ngoài sản lượng, diện tích gieo trồng tại các quốc gia trồng nhiều trên thế giới, hoặc nhu cầu từ các quốc gia tiêu thụ nhiều nhất, thì dữ liệu tồn kho cuối kỳ (lấy cung trừ cho cầu) hoặc dữ liệu stock-to-use (tồn kho cuối kỳ chia cho nhu cầu, có bao nhiêu nông sản hiện tại đáp ứng cho nhu cầu trong năm nay, thường đi ngược với giá). Cần theo dõi số liệu này tại các quốc gia cung ứng, cũng như tiêu thụ ngô.

Nguồn: Principles of macroeconomics

Về nguồn cung, cần chú ý đến sản lượng tại các khu vực lớn nhất là Mỹ (thông qua các báo cáo từ USDA) và khu vực Nam Mỹ gồm Brazil và Argentina (báo cáo từ USDA hoặc báo cáo từ CONAB). Ngoài ra, khu vực Biển Đen, trong đó có Ukraine cũng là quốc gia sản xuất ngô hàng đầu thế giới cần quan tâm. Đương nhiên, đây cũng là các quốc gia xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới. Việc vụ ngô gặp trục trặc tại các khu vực chủ chốt trên sẽ khiến cho giá ngô bị tác động mạnh, các trục trặc này có thể tới ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không ủng hộ cho quá trình gieo trồng hoặc bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển của ngô. Năm 2021, thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ đã phần nào tác động rất lớn triển vọng nguồn cung, qua đó đẩy giá ngô thế giới tăng cao.

Mỗi giai đoạn trong quá trình sinh trưởng của ngô sẽ chịu tác động hoặc ưa thích bởi một điều kiện nhất định. Chẳng hạn đối với ngô Mỹ, trước khi gieo trồng, ngô sẽ cần mưa nhiều giúp cung cấp độ ẩm cho đất; trong khi gieo trồng nếu có mưa lớn sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng; còn trong giai đoạn phun râu; điều kiện thời tiết cần thoáng mát để cây có thể thụ phấn; và giai đoạn đầu thu hoạch sẽ cần mưa cho giai đoạn phát triển cuối cùng. Đây cũng là lý do vì sao USDA công bố tiến độ trồng ngô hàng tuần, và đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng để nhận định triển vọng ngô thông qua quan sát các yếu tố có liên quan; và cũng là lý do vì sao thời tiết đóng vai trò quan trọng không kém.

Nguồn: Internet

Như đã đề cập, không chỉ Mỹ là quốc gia sản xuất ngô lớn trên thế giới, mà các khu vực khác như Nam Mỹ hay Ukraine cũng vậy, nhưng vì khác nhau về địa lý, điều kiện thời tiết cũng như gieo trồng khác nhau nên lịch vụ mùa cũng khác. Các giai đoạn sắp thu hoạch, nguồn cung trong tương lai cơ bản có khả năng nhiều hơn. Còn trong các tháng gieo trồng, nguồn cung chủ yếu từ vụ cũ. Theo CME Group, các hợp đồng ngũ cốc sẽ có một tháng giao hợp đồng tương lai và vụ mới và còn lại đều là vụ cũ.

Nguồn: MXV

Về nhu cầu, thị phần nhập khẩu và tiêu thụ nội địa của các quốc gia là số liệu quan trọng, vì biến động kinh tế ở các quốc gia này, có thể tác động đến nhu cầu tiêu thụ, hoặc các biến động khác làm giảm sản lượng nội địa cũng có thể ảnh hưởng đến nhập khẩu, qua đó làm tăng nhu cầu ngô. Theo số liệu mới nhất của USDA, tiêu thụ ngô tại Mỹ và Trung Quốc gần như ngang nhau với tỷ lệ 26% của thế giới.

Trung Quốc thường bị đổ lỗi là quốc gia góp phần đẩy giá ngô thế giới leo thang bởi lượng nhập khẩu khổng lồ hàng năm, đặc biệt trong những giai đoạn nhu cầu tăng đột biến. Mặc dù có sản lượng hàng đầu thế giới, nhưng với dân số quá đông, sản lượng nội địa không thể đáp ứng nổi; ngô Trung Quốc còn dùng làm thức ăn chăn nuôi cho đàn heo lớn nhất thế giới. Niên vụ 2021/22, Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới (chiếm 16% thương mại toàn cầu, thập kỷ trước trung bình chỉ 3%).

Năm 2021, Trung Quốc đang phải nhập khẩu ngô với khối lượng rất lớn nhằm bù đắp vào các kho dự trữ gần như cạn kiệt, trong bối cảnh quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn cung ngô. Một mặt, Bắc Kinh đang trong giai đoạn tái đàn lợn và ngô là nguyên liệu dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi rất quan trọng, quy mô đàn lợn Trung Quốc là cực kỳ lớn với hơn 400 triệu con - theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tính đến 18/03. Điểm đáng lưu ý khác là Trung Quốc thường nhập khẩu ngô từ hai nguồn chính là Mỹ và Brazil.

Như đã nói, tồn kho cũng là một số liệu quan trọng cần theo dõi, cho biết thị trường có khan hiếm hay không. Tồn kho toàn cầu thấp sẽ ảnh hưởng tích cực lên giá, trong đó nhìn ở quy mô nhỏ hơn là các quốc gia có tỷ trọng tồn kho cao nhất trên thế giới (chẳng hạn Trung Quốc) ở mức thấp cũng là một số liệu cần theo dõi, vì có khả năng nước này tăng nhập khẩu. Tính toán từ số liệu của USDA, tồn kho cuối kỳ của Trung Quốc ước tính chiếm 68% niên vụ 2024/2025, lớn nhất thế giới, vượt trội hơn rất nhiều so với quốc gia xếp sau là Mỹ (17%).


Chẳng hạn, trong một phân tích của StoneX chỉ ra, mức tồn kho/mức sử dụng năm 2019 đã tạo ra áp lực khi dừng ở 15%. Năm sau đó, nguồn cung khan hiếm vào năm 2020 với lượng tồn kho/mức sử dụng dưới 9% và thắt chặt nhất kể từ năm hạn hán 2012. Đến năm 2023 thì tỷ lệ này trở đã trở lại hơn 15%.


Năm 2021 mặc dù tồn kho dễ thở hơn, nhưng giá vẫn leo thang cho đến năm 2022, khi tỷ lệ này dưới 10%. Nhưng sau khi con số này vượt lên trên 10%, trở lại thì giá đã giảm. Có thể nói, 10% là mức báo hiệu nguồn cung có trở nên thắt chặt hay không. Tỷ lệ stock-to-use có thể được xem là một chỉ báo sớm.

Nguồn: Internet

Biến động của giá dầu thô thế giới cũng tác động đến giá ngô và thường cùng chiều do ngô còn được dùng làm ethanol pha trộn vào xăng, do đó khi giá nhiên liệu tăng có thể khuyến khích người ta dùng nhiều ngô hơn để sản xuất ethanol, nhất là ở Mỹ, qua đó làm tăng giá ngô. Một tài liệu từ Petrotimes cho biết, tỷ lệ phối trộn trung bình của ethanol và xăng của Mỹ năm 2012 7.5 tỉ gallon/năm và tổng khối lượng ethanol phối trộn này sẽ được phân bổ cụ thể cho từng bang, từng công ty, dựa trên doanh số bán hàng năm trước của công ty đó. Hằng năm Mỹ cũng có kế hoạch về tỷ lệ pha trộn này, nhưng các công ty không được vượt tỷ lệ này, con số này cao hơn so với năm trước đó cũng là một chỉ báo cho thấy các nhà sản xuất được khuyến khích sử dụng nhiều ngô hơn cho sản xuất ethanol, qua đó tác động đến giá ngô. Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hàng tuần sẽ báo cáo sản lượng sản xuất ethanol cùng với tồn kho và sản lượng dầu WTI vào thứ 4.

Biến động của USD đóng vai trò rất quan trọng trong việc định giá ngũ cốc. Nguyên nhân là khi đồng USD mạnh lên, làm cho ngô trở nên đắt hơn đối với những người mua nước ngoài. Các nhà nhập khẩu rất nhạy cảm về vấn đề này, do ảnh hưởng đến biên lợi nhuận hoặc ảnh hưởng đến chi phí tài chính của doanh nghiệp. Theo đó, nhu cầu đối với ngô sẽ giảm đi, tác động đến giá ngô. Ngược lại, đồng USD yếu đi có khả năng làm cho người trồng trong nước bán hàng của họ ở mức giá cạnh tranh hơn, và vì thế thường làm giá cao hơn. Ngoài ra, do các hợp đồng ngô còn được giao dịch trên thị trường tài chính, nên đồng USD mạnh lên cũng làm tăng sức hấp dẫn của loại tài sản này đối với các nhà đầu tư trên thị trường so với các tài sản khác, trong đó có các hợp đồng tương lai ngô. Một điều quan trọng là biến động của đồng USD còn chịu ảnh hưởng từ các quyết định của Fed (trong đó có quyết định về lãi suất) mà các quyết định của Fed cũng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế quan trọng như Non-farm payrolls (NFP).


Ngoài USD, giá ngô cũng biến động theo đồng Real của Brazil và Rúp của Nga trong nhiều năm, nhưng một bài viết của CME Group năm 2021 chỉ ra biến động này đã có sự khác biệt trong thời gian đó so với giai đoạn trước.

Các vấn đề hậu cần cũng là một trong những yếu tố tác động đến đà tăng của giá lương thực trên thế giới. Chẳng hạn như sự cố kênh đào Suez (2021), mực nước sông Parana chạy dọc Nam Mỹ ở mức thấp đáng trong nhiều năm, khiến cho việc vận chuyển nông sản chính của khu vực này đến trung tâm xuất khẩu Rosario bị trì trệ khi các tàu không thể tận dụng được hết công suất trong tình huống thông thường. Hay sự kiện tắc nghẽn tại một đoạn sông Mississippi tại Mỹ, đây là tuyến đường thủy quan trọng trong việc vận chuyển các loại nông sản như đậu tương và ngô từ vùng Trung Tây đến các các cảng xuất khẩu nông sản chính quanh New Orleans (Mỹ).

Ngoài ra, các giao dịch tài chính cũng ảnh hưởng đến giá ngô, đáng chú ý nhất là giao dịch của các quỹ quản lý vốn (Money Manager). Cũng phân tích từ StoneX, các quỹ vẫn giữ vị thế bán khống là chủ đạo từ cuối 2019 đến gần hết năm 2020. Điều này diễn ra cho tới khi Trung Quốc bắt đầu mua mạnh ngô Mỹ trên thị trường xuất khẩu. Nhu cầu xuất khẩu gia tăng đã chuyển Mỹ từ một thị trường có nguồn cung dồi dào vào năm 2019 sang một thị trường có nguồn cung thắt chặt hơn vào cuối năm 2020. Các quỹ theo đó cũng chuyển sang mua ròng rất lớn chỉ trong vòng chưa tới một năm.


Nguồn: Tổng hợp


Bài viết khác

Dự báo giá cao su năm 2024

Theo nhận định từ giới chuyên môn, dự báo năm 2024 – 2025 nguồn cung cao su có thể tiếp tục thiếu hụt, toàn cầu có thể sẽ hụt khoảng 600-800 ngàn tấn mỗi năm, do tốc độ tăng của nhu cầu nhanh hơn tốc độ cung ứng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá cao su

Cao su là một loài cây thân gỗ, có tầm quan trọng kinh tế lớn do chất lỏng chiết ra tựa như nhựa cây của nó (gọi là mủ) có thể được thu thập lại như là nguồn chủ lực trong sản xuất cao su tự nhiên.

Dự báo giá ngô năm 2024

Giá hợp đồng tương lai ngô giao tháng 7/2024 có xu hướng giảm khá mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024 và sau đó nhích lên đi ngang trong biên độ 440 – 460 cent/giạ trong tháng 4. Dù có giai đoạn ngắn giá vượt qua vùng này nhưng sau đó đã giảm trở lại.

bottom of page