top of page
Library

Kiến thức cơ bản

Thế Nào Là Hợp Đồng Tương Lai?

Hợp đồng tương lai (hay còn gọi là hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn) là một thỏa thuận để trao đổi tài sản cơ sở với giá đã được xác định trước tại một ngày cụ thể trong tương lai. Mục đích của hợp đồng tương lai là giúp các bên giảm thiểu rủi ro biến động giá cả thông qua việc "chốt giá" tài sản ở thời điểm hiện tại cho việc giao hàng trong tương lai. 


Các thành phần chính của hợp đồng tương lai bao gồm tài sản cơ sở như (cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu, hàng hóa, tiền tệ, ...), ngày đáo hạn hay còn gọi là thời điểm giao tài sản, giá đã thỏa thuận, độ lớn hợp đồng đã được tiêu chuẩn hóa, loại hình giao hàng là giao nhận hàng vật chất hay thanh toán bằng tiền), bước giá (có nghĩa là mức biến động giá tối thiểu), và các mức ký quỹ bao gồm ký quỹ ban đầu và ký quỹ duy trì.


Hợp đồng tương lai là những hợp đồng được giao dịch tập trung qua sàn, có tính thanh khoản cao và sử dụng đòn bẩy qua ký quỹ. Khác với hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai không được tùy chỉnh mà được tiêu chuẩn hóa và giao dịch trên các sàn giao dịch phái sinh. 


Hợp đồng tương lai yêu cầu người mua và người bán thực hiện nghĩa vụ ký quỹ với sàn giao dịch hàng hóa, nếu tài khoản ký quỹ của bên mua hoặc bán giảm xuống dưới mức quy định, sẽ có yêu cầu ký quỹ bổ sung, tùy theo quy định của từng sàn. Ví dụ, một nhà sản xuất dầu có kế hoạch sản xuất 1 triệu thùng dầu trong năm tiếp theo, sẵn sàng giao hàng trong 12 tháng. Hiện tại, giả sử giá dầu là 75 USD trên thùng. Tuy nhiên, với sự biến động của giá dầu, giá thị trường tại thời điểm 12 tháng sau có thể rất khác so với giá hiện tại. Nếu nhà sản xuất này tin rằng giá dầu sẽ cao hơn trong 1 năm, họ có thể chọn không chốt giá ngay bây giờ, nhưng nếu họ nghĩ rằng 75 USD nói trên là mức giá tốt, họ có thể chốt mức giá này và sẽ được đảm bảo bằng cách ký hợp đồng tương lai. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng này, trong một năm, dù cho giá thị trường giao ngay tại thời điểm đó là 77 USD trên thùng, nhà sản xuất vẫn có nghĩa vụ giao 1 triệu thùng dầu và với giá 75 triệu USD, tức 75 USD trên thùng.


Lấy ví dụ về hợp đồng tương lai trên sàn. Chẳng hạn, độ lớn của một hợp đồng dầu trên Sở Giao dịch Hàng hóa Chicagô là 1,000 thùng, nếu ai đó muốn chốt giá (bán hoặc mua) cho 100,000 thùng dầu, họ sẽ cần mua hoặc bán 100 hợp đồng. Tương tự, để chốt giá cho 1 triệu thùng dầu, họ sẽ cần mua hoặc bán 1,000 hợp đồng.


Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ quản lý danh mục đầu tư, họ thường không quan tâm đến việc giao hoặc nhận tài sản cơ sở, nhưng có thể sẽ quan tâm tới việc kiếm lời từ biến động của giá.

 

Ví dụ, bây giờ là tháng 1 và các hợp đồng dầu giao vào tháng 4 đang giao dịch ở mức 75 USD trên thùng. Nếu một nhà giao dịch nào đó tin rằng giá dầu sẽ tăng trước khi hợp đồng đáo hạn vào tháng 4, họ có thể mua một hợp đồng ở mức 75 USD. Tuy nhiên, không bắt buộc nhà giao dịch này phải trả 75,000 USD, tức 75 USD nhân với độ lớn 1 hợp đồng là 1,000 thùng. Thay vào đó, nhà đầu tư này sẽ được yêu cầu một mức ký quỹ ban đầu, thường là vài nghìn USD cho mỗi hợp đồng tùy theo quy định của từng sàn.


Lãi hoặc lỗ của vị thế này trong tài khoản sẽ dao động khi giá của hợp đồng tương lai thay đổi. Nếu mức thua lỗ quá lớn, nhà đầu tư sẽ được yêu cầu bổ sung một khoản tiền, được gọi là ký quỹ duy trì.


Lãi hoặc lỗ cuối cùng của giao dịch sẽ được ghi nhận khi giao dịch được đóng. Nếu người mua bán hợp đồng ở mức giá 80 USD, họ sẽ kiếm được 5,000 USD, tức (80 - 75 USD) nhân với 1,000 thùng). Ngược lại, nếu giá giảm xuống 70 USD và họ đóng vị thế, họ sẽ mất 5,000 USD.

Khái niệm

Giải thích

Hợp đồng tương lai

Là thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về một giao dịch diễn ra trong tương lai với mức giá được xác định trước.

Tài sản cơ sở

Là đối tượng được thỏa thuận trong hợp đồng phái sinh.

Ký quỹ

Khoản đặt cọc để tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh, đóng vai trò đảm bảo khả năng thanh toán của hai bên hợp đồng.

Vị thế

Trạng thái giao dịch và khối lượng của hợp đồng phái sinh mà nhà đầu tư hiện đang nắm giữ.

Đóng vị thế

Mở một vị thế đối ứng với một vị thế đang nắm giữ có cùng tài s ản cơ sở và ngày đáo hạn.

Giá thanh toán cuối ngày

Mức giá của hợp đồng phái sinh được dùng để tính toán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày của từng hợp đồng.

Giá thanh toán cuối cùng

Mức giá của tài sản cơ sở được xác định vào ngày giao dịch cuối cùng của chứng khoán phái sinh dựa trên tài sản cơ sở đó, dùng để tính t oán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng.

Hệ số nhân hợp đồng

Hệ số quy đổi giá trị của Hợp đồng tương lai chỉ số thành tiền.

Khối lượng mở

Số lượng hợp đồng của một loại Chứng khoán phái sinh đang còn tồn tại ở một thời điểm.

Nguồn: Tổng hợp

Bài viết khác

Các Nhóm Đối Tượng Tham Gia Thị Trường

Có 3 nhóm đối tượng tham gia thị trường hàng hóa phái sinh (không tính các nhà tạo lập thị trường), gồm: nhà phòng vệ giá (hedger), nhà đầu cơ (speculator) và nhà đầu tư chênh lệch giá (arbitrageur).

Hợp Đồng Hoán Đổi

Hợp đồng hoán đổi (Swaps Contract) là một dạng hợp đồng phái sinh trong đó hai bên trao đổi dòng tiền hoặc các khoản nợ từ hai công cụ tài chính khác nhau vào một thời điểm nhất định theo phương thức định sẵn.

Hợp đồng mở (OI) là gì?

Hợp đồng mở hay còn gọi là OI là một khái niệm quan trọng trong giao dịch các hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn.

bottom of page