top of page
Library

Kiến thức cơ bản

Hợp Đồng Quyền Chọn

Hợp đồng quyền chọn là một hợp đồng cho phép một bên có quyền (nhưng không bắt buộc) mua hoặc bán một tài sản cơ sở ở một mức giá cụ thể vào hoặc trước một ngày xác định. Xét về mục đích, có 2 loại hợp đồng quyền chọn gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán. Quyền chọn mua cho phép người nắm giữ quyền mua tài sản cơ sở trong tương lai, trong khi quyền chọn bán cho phép người nắm giữ quyền bán tài sản cơ sở trong tương lai.


Hợp đồng quyền chọn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm phòng ngừa rủi ro và đầu cơ. Người mua quyền chọn có thể sử dụng chúng để đầu cơ mà vẫn giảm thiểu rủi ro thua lỗ. Các quyền chọn có thể được kết hợp với nhau để thực hiện các chiến lược độc đáo. 


Các thành phần chính của hợp đồng quyền chọn bao gồm Tài sản cơ sở (có thể là cổ phiếu, hàng hóa, hay tiền tệ,...), ngày đáo hạn (hay là ngày mà quyền chọn phải được thực hiện hoặc hết hạn), giá thực hiện là giá mà tại đó người nắm giữ quyền chọn có thể mua hoặc bán tài sản cơ sở, giá này được xác định khi hợp đồng quyền chọn được ký kết, độ lớn hợp đồng (dùng để chỉ số lượng tài sản cơ sở mà một hợp đồng quyền chọn đại diện), cách giao nhận (là giao hàng vật chất hoặc thanh toán bằng tiền, phí quyền chọn - đây là chi phí mà người mua phải trả để sở hữu quyền chọn. Phí quyền chọn được xác định dựa trên nhiều yếu tố bao gồm giá trị của tài sản cơ sở, thời gian đến ngày hết hạn, và biến động của thị trường), loại quyền chọn (Có hai loại quyền chọn phổ biến là quyền chọn kiểu Mỹ và quyền chọn kiểu Châu Âu. Quyền chọn kiểu Mỹ có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trước ngày hết hạn, trong khi quyền chọn kiểu Châu Âu chỉ có thể được thực hiện vào ngày đáo hạn.)


Ví dụ, một người muốn mua 100 cổ phiếu ABC do dự đoán rằng giá của cổ phiếu này sẽ tăng từ 50,000 đồng trên cổ phiếu ở thời điểm hiện tại lên 70,000 đồng trên cổ phiếu trong vòng 2 tháng tới. Nhưng nếu người đó mua luôn bây giờ thì sẽ đối mặt với rủi ro giảm giá của cổ phiếu ABC, giả sử xuống còn 30,000 đồng trên cổ phiếu. Nếu rủi ro thực sự xảy ra, nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại 20,000 đồng nhân với 100 cổ phiếu bằng 2,000,000 đồng.


Do đó, nhằm tránh rủi ro, nhà đầu tư nói trên có thể mua quyền chọn mua cổ phiếu ABC vào thời điểm đáo hạn 2 tháng sau, mức phí mua quyền chọn là 5,000 đồng trên cổ phiếu và giá thực hiện là 50,000 đồng trên cổ phiếu. Nếu đến thời điểm đáo hạn, giá cổ phiếu ABC tăng lên như dự báo là 70,000 đồng trên cổ phiếu thì lợi nhuận thu được của nhà đầu tư sẽ là (20,000 đồng trừ đi 5,000 đồng) nhân với 100 cổ phiếu bằng 1,500,000 đồng. Nếu giá cổ phiếu ABC giảm thì nhà đầu tư có quyền không thực hiện quyền mua của mình và chịu mất 500,000 đồng tiền phí khi ký hợp đồng mua quyền chọn. Như vậy, nhờ sử dụng hợp đồng quyền chọn mà nhà đầu tư giảm thiểu được thiệt hại khi rủi ro xảy ra.


Nguồn: Tổng hợp

Bài viết khác

Giới Thiệu Thị Trường Phái Sinh

Hợp đồng phái sinh là một loại hợp đồng mà giá trị của nó dựa trên một tài sản cơ sở như cổ phiếu, tiền tệ hoặc hàng hóa.

Hướng Dẫn Quản Lý Ký Quỹ

Các mốc tỷ lệ ký quỹ quan trọng cần lưu ý trong quá trình giao dịch hàng hóa phái sinh.

Thị Trường Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam 2023: Triển Vọng Nào?

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) và Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CME Group) đã phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: “Góc nhìn toàn cầu và triển vọng thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam 2023"

bottom of page