top of page
Library

Kiến thức cơ bản

Hợp Đồng Hoán Đổi

Hợp đồng hoán đổi (Swaps Contract) là một dạng hợp đồng phái sinh trong đó hai bên trao đổi dòng tiền hoặc các khoản nợ từ hai công cụ tài chính khác nhau vào một thời điểm nhất định theo phương thức định sẵn.


Mỗi dòng tiền là một nhánh (leg) của hợp đồng hoán đổi, và tính bằng cách dựa trên giá trị nguyên tắc danh nghĩa. Một dòng tiền thường là cố định, còn dòng tiền kia thay đổi dựa trên lãi suất tham chiếu, tỷ giá thả nổi hoặc chỉ số giá.


Không giống như hợp đồng tương lai và quyền chọn, hợp đồng hoán đổi phần lớn không được giao dịch trên sàn giao dịch mà là giao dịch phi tập trung. Ngoài ra, các bên tham gia trong hợp đồng hoán đổi thường là giữa các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính và có thể được tùy biến để đáp ứng nhu cầu của hai bên. Hợp đồng hoán đổi thường không được các cá nhân lựa chọn vì chúng có rủi ro cao về việc bên đối tác có thể vỡ nợ.


Các thành phần chính của một hợp đồng hoán đổi bao gồm:


Thứ nhất, các bên tham gia là các tổ chức tài chính hoặc doanh nghiệp tham gia vào hợp đồng hoán đổi. Mỗi bên có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng.


Thứ hai, dòng tiền trao đổi. Đây là các đối tượng được trao đổi trong hợp đồng hoán đổi. Thường thì các dòng tiền này được tính toán dựa trên các lãi suất, tiền tệ, hoặc giá trị của các tài sản tài chính khác nhau.


Thứ ba, thời hạn hợp đồng. Đây là khoảng thời gian mà hợp đồng hoán đổi có hiệu lực. Thời hạn hợp đồng có thể từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.


Thứ tư, ngày thanh toán. Đây là các ngày mà các bên tham gia sẽ thực hiện việc trao đổi dòng tiền hoặc tài sản. Thông thường, các ngày thanh toán được xác định trước trong hợp đồng.


Thứ năm, lãi suất hoặc chỉ số tham chiếu: Đây là các yếu tố quan trọng được sử dụng để tính toán dòng tiền trao đổi trong hợp đồng hoán đổi. Ví dụ, trong hợp đồng hoán đổi lãi suất, lãi suất cố định và lãi suất thả nổi sẽ được thỏa thuận.


Thứ sáu, giá trị danh nghĩa. Đây là giá trị cơ sở được sử dụng để tính toán các khoản thanh toán trong hợp đồng hoán đổi. Giá trị danh nghĩa thường không được trao đổi thực tế mà chỉ dùng để tính toán các dòng tiền.


Sau cùng, là điều khoản thanh toán. Đây là các điều khoản quy định cách thức và thời điểm thanh toán dòng tiền trong hợp đồng hoán đổi. Điều khoản này cũng có thể bao gồm các quy định về việc thanh toán sớm hoặc phạt nếu có.


Các loại hợp đồng hoán đổi phổ biến là hoán đổi lãi suất (Interest rate swap), hoán đổi tiền tệ (Currency swap), hoán đổi tín dụng (Credit swap), hoán đổi hàng hóa (Commodity swap) và hoán đổi chứng khoán vốn (Equity swap). Trong số đó, hoán đổi lãi suất là hợp đồng phổ biến nhất.


Hoán đổi lãi suất là một thoả thuận giữa hai bên để trao đổi một tập hợp thanh toán lãi của bên này lấy tập hợp thanh toán lãi của bên khác, nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất hoặc đầu cơ, được thực hiện dựa trên số tiền gốc danh nghĩa được cả hai bên thỏa thuận (số tiền gốc này không được trao đổi).


Về cách thức hoạt động của hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định và thả nổi.


Dạng hợp đồng hoán đổi lãi suất phổ biến nhất là hợp đồng hoán đổi lãi suất cố định với lãi suất thả nổi, còn gọi là hoán đổi lãi suất giản đơn (Plain Vanilla Swaps). 


Trong đó, một bên sẽ thanh toán các dòng tiền được xác định theo lãi suất cố định trong một khoảng thời gian cụ thể vào các ngày cụ thể. Bên còn lại sẽ đồng ý thanh toán các dòng tiền được xác định theo lãi suất thả nổi với cùng một số tiền gốc danh nghĩa trong cùng một khoảng thời gian vào cùng một ngày. 


Đồng tiền được sử dụng trong cả hai dòng tiền là như nhau và ngày thanh toán được cả hai bên quyết định trước. Các khoản thanh toán thường được thực hiện hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm nhưng khoảng thời gian có thể được các bên liên quan thiết lập theo bất kỳ cách nào.


Ví dụ: Công ty A muốn vay vốn nhưng lo ngại về lãi suất thả nổi có thể tăng trong tương lai, trong khi Công ty B muốn tận dụng lãi suất thả nổi hiện tại nhưng đang có khoản vay với lãi suất cố định.


Đầu tiên, chúng ta có các điều khoản hợp đồng như sau. Công ty A có khoản vay với lãi suất thả nổi dựa trên LIBOR (lãi suất cho vay liên ngân hàng London) + 1%. Công ty B có khoản vay với lãi suất cố định là 5% mỗi năm.


Hai công ty đồng ý tham gia vào một hợp đồng hoán đổi lãi suất, với các điều khoản gồm công ty A sẽ trả lãi suất cố định 5% mỗi năm cho Công ty B. Công ty B sẽ trả lãi suất thả nổi LIBOR + 1% mỗi năm cho Công ty A; và thời hạn hợp đồng hoán đổi là 3 năm, với số tiền danh nghĩa là 1 triệu USD.


Chúng ta sẽ có diễn biến hàng năm như sau:


Ở năm 1, giả sử lãi suất Libor là 2%. Lúc này Công ty A trả cho Công ty B là 5% của 1 triệu USD tức là 50,000 USD; và công ty B trả cho Công ty A mức lãi suất 3% (tức 2% + 1%) của 1 triệu USD là 30,000 USD. Khoản thanh toán ròng Công ty A trả cho Công ty B là 20,000 USD (50,000 USD - 30,000 USD)


Đến năm thứ 2, giả sử LIBOR tăng lên 3%. Công ty A trả cho Công ty B 5% của 1 triệu USD là 50,000 USD. Công ty B trả cho Công ty A là 4% (tức là 3% + 1%) của 1 triệu USD là 40,000 USD. Khoản thanh toán ròng Công ty A trả cho Công ty B là 10,000 USD (50,000 USD - 40,000 USD).


Năm thứ 3, giả sử LIBOR tăng lên 4%. Công ty A trả cho Công ty B 5% của 1 triệu USD là 50,000 USD. Công ty B trả cho Công ty A mức lãi suất (4% + 1%) của 1 triệu USD là 50,000 USD. Ở đây sẽ không có phát sinh thanh toán, vì hai khoản thanh toán bằng nhau.


Kết quả là sau 3 năm, Công ty A đã bảo vệ mình khỏi việc lãi suất tăng cao bằng cách cố định khoản thanh toán lãi suất của mình ở mức 5%, trong khi Công ty B đã tận dụng được lãi suất thả nổi thấp hơn trong năm đầu và năm thứ hai.


Nguồn: Tổng hợp

Bài viết khác

Các Lệnh Giao Dịch Hàng Hóa Phái Sinh Cơ Bản

Tìm hiểu về các lệnh giao dịch cơ bản trong thị trường phái sinh

8 Lý Do Để Giao Dịch Hàng Hóa

Giao dịch hàng hóa (commodity trading) cung cấp một hàng rào vững chắc nhằm phòng ngừa lạm phát, cho phép các nhà đầu tư tận dụng sự gia tăng của chi phí để bảo vệ sức mua. Với tiềm năng đòn bẩy cao, các nhà giao dịch (traders) có thể khuếch đại lợi nhuận bằng cách chỉ sử dụng một phần nhỏ giá trị hợp đồng. Hàng hóa cung cấp sự đa dạng hóa, thông thường là ổn định danh mục đầu tư trong thời kỳ kinh tế biến động.

Mối Tương Quan Giữa Lạm Phát Và Giá Cả Hàng Hóa

Lạm phát và giá cả hàng hóa (commodity) có mối quan hệ sâu sắc và liên kết với nhau, tác động đáng kể đến nền kinh tế. Việc nắm được cách mà lạm phát ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và ngược lại là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp.

bottom of page