Technical Analysis
Lịch Sử Các Thị Trường Hàng Hóa Trên Thế Giới
Thị trường hàng hóa phái sinh có lịch sử lâu đời, có ngay từ thời cổ đại. Một trong những ví dụ đầu tiên về hợp đồng quyền chọn hàng hóa được ghi nhận từ thế kỷ thứ 6 TCN, liên quan đến Thales, một triết gia Hy Lạp thời tiền Socrates và được coi là một trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp.
Ông đã dự đoán về một vụ mùa ô liu bội thu và đã mua quyền sử dụng các máy ép ô liu với giá thấp. Khi vụ mùa đến và đúng như dự đoán, ông bán quyền sử dụng này với giá cao hơn, thu được lợi nhuận lớn. Đây là một ví dụ sớm về hợp đồng quyền chọn, nơi người mua có quyền nhưng không có nghĩa vụ mua hoặc bán tài sản cơ bản ở một mức giá xác định trước.
Các hợp đồng phái sinh tiếp tục phát triển qua nhiều thế kỷ, với một trong những sự kiện nổi tiếng nhất là “Tulip Mania” – tạm dịch là “cơn sốt hoa tulip” vào năm 1636 tại Hà Lan. Đây là thời điểm các hợp đồng quyền chọn được sử dụng để đầu cơ giá búp hoa tulip. Khi giá búp hoa tulip tăng, các đại lý hay nhà buôn (dealers) người Hà Lan cũng bắt đầu giao dịch quyền chọn búp hoa tulip, để các nhà sản xuất có thể bán quyền sở hữu búp hoa tulip trong Quyền chọn mua (call option). Công cụ phòng ngừa rủi ro này đã chuyển thành cơn sốt đầu cơ, khi giá củ hoa tulip tăng vọt từ cuối năm 1636 và đạt đỉnh tháng 2/1637. Các hợp đồng này chủ yếu là giao dịch OTC, thiếu sự thực thi pháp lý và cơ sở cho giao dịch là danh tiếng cá nhân. Thị trường này sau đó sụp đổ vào năm 1637, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sở Giao dịch Hàng hóa Gạo đầu tiên có liên quan đến Sở Giao dịch Gạo Dojima ở Nhật Bản, được thành lập vào năm 1697. Đây được coi là thị trường kỳ hạn tiêu chuẩn hàng hóa chính thức đầu tiên trên thế giới. Có hai loại thị trường gạo là “shomai” (giao ngay) và “choaimai” (tương lai). Sở giao dịch này đã cho phép giao dịch các hợp đồng tương lai về giá gạo, giúp nông dân và thương nhân bảo vệ mình khỏi sự biến động giá. Các hợp đồng kỳ hạn ở đây được tiêu chuẩn hóa, và việc ghi nhận các giao dịch được thực hiện tại một cơ quan thanh toán bù trừ, rất giống với cách hoạt động của các thị trường kỳ hạn hiện đại.
Những hợp đồng này đã đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường hàng hóa phái sinh hiện đại. Mãi đến thế kỷ 19, các thị trường phái sinh bắt đầu được tổ chức và tiêu chuẩn hóa, như Chicago Board of Trade (CBOT) ra đời năm 1848, tạo điều kiện cho việc giao dịch các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn.
Theo BigTrends, Chicago là trung tâm lưu trữ và vận chuyển ngũ cốc từ Trung Tây (Midwest). Giá ngũ cốc tăng và giảm mạnh theo mùa vụ. Chi phí lưu trữ cũng thường ở mức cao sau vụ thu hoạch. Để đối phó với tất cả những biến động khó lường này, hợp đồng “to-arrive” (tạm dịch: giao hàng sau) đã được tạo ra với ý tưởng là người nông dân có thể chốt và giao ngũ cốc vào một ngày trong tương lai. Điều này cho phép người nông dân phòng ngừa biến động giá một số sản phẩm nông nghiệp (lúa mỳ và ngô) và tự bảo vệ mình. Các hợp đồng đã được chuẩn hóa vào năm 1865 và đến năm 1925, một trung tâm thanh toán bù trừ đã được thành lập để loại bỏ yếu tố rủi ro tín dụng. Đây được xem là nền tảng của hợp đồng tương lai hàng hóa hiện đại mà chúng ta sử dụng cho đến nay.
Thị trường hàng hóa phái sinh ở Trung Quốc bắt đầu được thử nghiệm từ một chợ bán buôn ngũ cốc vào năm 1990. Đây là sự khởi đầu cho sự phát triển của thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc. Năm 1991, Sở Giao dịch Hàng hóa đầu tiên được thành lập tại Thâm Quyến, được gọi là Sở Giao dịch Kim loại Thâm Quyến. Đến nay, Trung Quốc có 3 sở giao dịch lớn là Sở Giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu (Zhengzhou Commodity Exchange - ZCE), Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (Dalian Commodity Exchange - DCE) và Sở Giao dịch hàng hóa Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange - SHFE).
Nguồn: SFVN (Tổng hợp)